Sẽ sửa quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

(ĐCSVN) – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề kiểm soát chất lượng các văn bằng, chứng chỉ có nhiều cách như thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính... Sắp tới, Bộ sẽ áp dụng các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính, làm hậu kiểm là chính chứ không bắt buộc phải cung cấp cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội. (Ảnh: BL)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng ngày 7/11, sau phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời nhiều vấn đề nóng thuộc lĩnh vực ngành quản lý như: Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức…

Ban hành Nghị quyết riêng về biên chế giáo viên

Chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết, xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng giáo dục, y tế sẽ càng được nâng lên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, điều này gây khó khăn như thế nào trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành Giáo dục, Y tế? Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế sự nghiệp của nước ta  là khoảng 1.800.000 người, riêng giáo viên khoảng hơn 1.500.000 người, chiếm tỷ lệ rất lớn.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, phần lớn địa phương phản ánh số giáo viên hiện nay không đủ để đứng lớp, kể cả ngànhY tế cũng không đủ nhân viên y tế trong các bệnh viện. Để giải quyết những vấn đề như các đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị, đã có kết luận và bước đầu giải quyết được 19 tỉnh. Bộ Nội vụ cũng đã thông báo cho 63 tỉnh, thành phố thống kê lại số giáo viên còn thiếu và kể cả số nhân viên y tế trong các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị theo đúng tinh thần “có người học phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh phải có nhân viên y tế để chăm sóc”.

Như vậy thì thống kê bước đầu Bộ Nội vụ nhận được là 87.000 giáo viên các cấp còn thiếu, riêng ngành Y tế khoảng hơn 12.000. “Vấn đề này Bộ Nội vụ đã có báo cáo và xin chủ trương của Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo  xác minh cụ thể từng địa phương và sẽ có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế. Bộ trưởng khẳng định, chúng ta phải tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đó là cái gốc của vấn đề.

Cho biết, nhiều địa phương làm rất tốt, giảm giáo viên rất tốt và cũng không cần đề nghị tăng thêm biên chế giáo viên, ngoài ra, mỗi năm còn tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho phát triển, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị các tỉnh khác phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, riêng đối với giáo viên, Bộ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và kiến nghị Chính phủ cho ban hành một nghị quyết riêng về biên chế giáo viên vì đây là lĩnh vực đặc thù.

Sẽ sửa quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

Phản ánh vấn đề được nhiều cử tri là công chức, viên chức quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, hiện nay việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch và còn tồn tại nhiều bất cập.

Cho rằng yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức, đại biểu lý giải, nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học  rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ tin học không thực chất. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu đặt câu hỏi: Vấn đề này có hay không, nếu có thì Bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này và có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi nâng ngạch công chức, viên chức hay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ. “Không chỉ riêng trong thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức. Riêng quy định bổ nhiệm bây giờ yêu cầu tới 7 bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. Nhưng vấn đề này không phải chỉ do mỗi Bộ Nội vụ đặt ra. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính được ban hành từ năm 1993. Đến bây giờ là hai mươi mấy năm rồi thì cũng cần phải sửa. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này khi để một quyết định hơn 20 năm không sửa, khiến thủ tục rườm rà. Bộ trưởng cam kết với Quốc hội, đến năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Bộ sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào”, Bộ trưởng cho biết.

Về vấn đề kiểm soát chất lượng các văn bằng, chứng chỉ, Bộ trưởng cho rằng, có nhiều cách như thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính; bài sát hạch bằng tiếng Anh không cần phải có văn bản. Sắp tới, Bộ sẽ áp dụng các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính  và sẽ làm hậu kiểm là chính chứ không bắt buộc phải cung cấp cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Về yêu cầu trình độ tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ, viên chức trong thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, trong Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm.

Bộ trưởng cho rằng, tới đây vấn đề này cũng cần phải sửa, nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26 tức là phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế. Bộ Nội vụ kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện quốc tế.

Bộ trưởng cũng hứa với đại biểu Quốc hội, sau khi Luật Cán bộ, công chức ban hành, sẽ xây dựng Nghị định mới với những quy định không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa./.

 
Bích Liên